MẸO LÀM ĐỀ TOPIK PHẦN NGHE-VIẾT

tiếng hàn sơ cáp 1

Mẹo làm bài thi TOPIK Nghe- Viết

Cứ lần lữ mãi không chịu viết bài này vì tớ đã suy nghĩ rất lâu vẫn chẳng thấy có mẹo gì đặc biệt cả, đặt tên bài là mẹo có vẻ nghe hơi lừa dối các cậu (???), hy vọng các cậu không thấy thế.

Bắt tay vào bài luôn nhé, đầu tiên là

ĐỀ NGHE

Như tớ đã nhắc đi nhắc lại từ những bài đầu tớ viết về ôn thi topik, đó là nghe được hay không nằm ở lượng từ mới các cậu có, ngữ pháp trong đề thi nghe không quan trọng lắm, vì chủ yếu là những ngữ pháp quen thuộc, có khác một chút thì là sẽ dùng kiểu ngữ pháp, biểu hiện trong văn nói thôi, nên nhấn mạnh lại một lần nữa, học từ mới nhiều vào, biết từ mới là các cậu sẽ nghe được thôi.

Tớ sẽ không viết bài này theo kiểu giống bài của đề đọc vì đề nghe không có nhiều mẹo như thế đâu, nói đúng ra để làm được bài nghe thì ngoài việc học từ mới, việc phân bổ thời gian là cực kì quan trọng. 60 phút nghe 50 câu, tính cả thời gian người ta đọc lời hướng dẫn lúc đầu, tức là thời gian nghe + đọc + chọn đáp án là 60 chia 50 là 1.2,  khoảng 1 phút mười hai giây gì đó( để ra được con số này tớ đã phải lấy máy tính ra chia cơ, sợ chưa). Mục đích là để các cậu thấy được thời gian nó trôi qua nhanh như thế nào thôi. Bí quyết làm đề nghe đó là quản lý thời gian. Một số cách hay ho tớ hay áp dụng khi làm đề thi nghe

  • Đọc trước đáp án (đọc hiểu nha, chứ đọc không hiểu chả để làm gì)

Lúc phát đề các cậu được mở ra xem, nhưng chỉ được xem xem có đủ 50 câu không, chất lượng in có tốt không, có câu nào không nhìn rõ không, chứ không được xem quá nhiều. Sau đó đợi hiệu lệnh bắt đầu làm bài thi mới được mở ra làm. Và trước khi vào câu đọc người ta sẽ có đoạn đọc giới thiệu và hướng dẫn ví dụ kì thi thứ bao nhiêu, đề từ câu 1 đến câu 50, kiểu kiểu ấy, thì trong lúc ấy các cậu tranh thủ mở đề ra đọc đáp án mấy câu đầu trước, cố gắng đọc nhanh nhất có thể. Sau đó đến lúc máy đọc đến câu đầu tiên thì quay lại câu đầu nghe và chọn đáp án. Vì các cậu đã xem và nắm được đáp án trước rồi nên chọn được rất nhanh. Ngay sau đó trong khi nó vẫn đang đọc những ý không liên quan lắm và trong phần thời gian trống để chọn đáp án thì các cậu đọc đáp án câu phía dưới. Cứ như thế lặp đi lặp lại. Nếu có câu nào không nghe được, bỏ qua luôn, chọn bừa không đắn đo suy nghĩ, vì mất thời gian suy nghĩ tức là các cậu không chỉ mất điểm cho câu này mà mất điểm luôn câu sau. Nên máy đọc xong câu nào thì mình cũng phải giải quyết gọn gàng câu ấy, đừng có kiểu để dành lát xem lại, không có thời gian đâu ( dĩ nhiên với các bạn thi topik 3, 4 thì còn nhiều thời gian, vì nghe đến tầm câu 30 là mệt mỏi rồi, nhưng đến lúc ấy quay lại cũng chẳng nhớ nó đã đọc cái gì đâu). Nên nhớ mỗi câu 2 điểm, câu khó cũng như câu dễ, không nghe thấy chọn bừa luôn.

Đây là cách áp dụng với câu 1 đến câu 20 khi mà nội dung phải nghe ngắn và đáp án cũng ngắn, nên việc đọc được đáp án câu sau trước khi máy chạy là điều dễ dàng. Với câu 21 đến câu 50, mỗi câu sẽ được nghe 2 lần, thật ra đúng hơn sẽ là 1 đoạn hội thoại đọc 2 lần đề trả lời 2 câu hỏi. Đến đây các bạn có thể lựa chọn 2 cách,

Cách 1: dành cả 2 lần nghe cho 1 câu làm câu đấy và chắc chắn đúng. Hiểu ý tớ không?  Ví dụ câu 21 và 22 chung 1 đoạn hội thoại, thì cả 2 lần nghe đoạn hội thoại các cậu chỉ chú ý đọc đáp án và trả lời câu 21 hoặc câu 22 thôi, câu còn lại nếu nghe thấy thì chọn, còn không thì điền bừa. Và lời khuyên khi lựa chọn cách này là nên chọn câu có nội dung là chọn câu đúng với nội dung vừa nghe ( hơi rối nhỉ), tập trung làm câu này và các cậu sẽ biết được hầu hết ý của cả đoạn hội thoại, dễ dàng làm được câu còn lại.

Cách 2: Cách này tớ hay áp dụng. Đó là trong 2 lần nghe tớ sẽ dành lần nghe thứ 1 để đọc đáp án 2 câu, hiểu được nội dung của cả bài và câu hỏi của cả 2 câu. Trong lúc đó nếu số đỏ các cậu có thể nghe được câu trả lời đúng của 1 câu. Lần nghe thứ 2 thì sẽ chỉ cần nghe để trả lời câu hỏi thôi, vì nội dung đã biết hết từ lần nghe 1 rồi.

Tiếng hàn sơ cấp 1

  • Chú ý đến đuôi câu.

Ví dụ đối với câu phải chọn이어서 할 행동. Về cơ bản vẫn đọc trước đáp án, nắm được nội dung sẽ nhắc đến ai, hành động gì, sự việc gì, sau đó chú ý nghe những việc đã xảy ra, chú ý đến đuôi câu của chủ thể cần phải nghe ví dụ như đuôi câu 을 게요, 아어여 주다, 겠다,…

  • Câu 중심 생각:

Chú ý đặc biệt đến nhân vật đề bài hỏi là nam hay nữ, ví dụ nếu câu hỏi là chọn suy nghĩ trọng tâm của nhân vật nam thì thường (thường thôi nhé, không phải lúc nào cũng thế) nhân vật nữ sẽ nói trước, và sẽ nói lên quan điểm của mình, chú ý là ý kiến của 2 nhân vật hay trái ngược nhau. Và câu nói cuối cùng của nhân vật nam thường sẽ là đáp án. Dạng câu hỏi này rất dễ ăn điểm, nên các cậu đừng để mất, uổng phí của trời cho nhá.

  • Đối với những câu kiểu 의도, 태도

Những câu này chẳng cần phải đọc hết cả đáp án, các cậu chỉ cần đọc động từ chính, ví dụ 이유를 알려 주기, 불만을 제시하기, 비판하고 있다, …, kiểu là không cần biết nó đang nói đến cái gì chỉ cần hiểu nhân vật đó ví dụ đang bất mãn, phàn nàn, hay đang rủ rê,.. sau đó kết hợp với giọng điệu của nhân vật và chọn đáp án thôi. Đây cũng là một dạng câu dễ xơi nha.

  • Đối với câu chọn đáp án đúng với nội dung nghe

Không có mẹo nhé, đặc biệt bắt đầu từ câu 37, 38 trở đi, dạng câu hỏi kiểu 교양 프로그램, 대담, 강연, 다큐멘터리, …mấy câu kiểu này giời mới hiểu nó đang nói đến cái gì. Và dĩ nhiên nghe đến đây là dành cho các bạn topik 5, 6 rồi, quan trọng hơn thua ở chỗ bạn có may mắn khi biết những từ ở trong đoạn hội thoại không thôi.

ĐỀ VIẾT

Cấu trúc đề viết thì ai cũng biết rồi, 4 câu, câu 51 đến câu 54. Dù đề nghe với viết cùng chung 1 đề, nhưng các cậu phải nghe hết đề nghe mới được làm đề viết (các cậu không nghe được vẫn phải nghe). Với những bạn thi topik 3, 4 thì chỉ cần làm câu 51, 52, và 53 là đủ, câu 54 sẽ dành cho các bạn topik 5, 6.

  • Câu 51:

10 điểm, và thời gian làm là 5 phút, tối đa là 5 phút nhé. Đuôi câu bắt buộc dùng dạng ㅂ니다. Đây là câu dùng cho các bạn mức độ topik 2 nên khá đơn giản. Nói thế thôi ăn trọn điểm câu này cũng hơi khó nhá. Câu 51 thường được chia thành mấy dạng kiểu viết email, quảng cáo, chiêu mộ thành viên, thư cảm ơn, nhờ vả gì gì đấy. Để biết thêm thông tin chi tiết các cậu hãy tìm mua 1 quyển dạy viết nhé. Đến lúc thi thì chỉ cố gắng không mất quá nhiều thời gian vào nó là được.

  • Câu 52:

Vẫn 10 điểm, cũng vẫn làm trong 5 phút. Bắt đầu từ câu 52 là đuôi câu dùng dạng viết trần thuật 는다/ ㄴ다. Đối với tớ thì luôn thấy câu 52 dễ hơn câu 51 (chả hiểu kiểu gì). Lí do tớ nói thế vì đáp án câu 52 toàn bộ có ở trong đề rồi. Chỉ cần chú ý từ nối và thế là giải quyết xong. Ví dụ nhé.

(제52회 한국어능력시험 쓰기 52번)

우리는 기분이 좋으면 밝은 표정을 짓는다. 그리고 기분이 좋지 않으면 표정이 어두워진다. 왜냐하면 (   ㉠   ) . 그런데 이와 반대로 표정이 우리의 감정에 영향을 주기도 한다. 그래서 기분이 안 좋을 때 밝은 표정을 지으면 기분도 따라서 좋아진다. 그러므로 우울할 때일수록 (     ㉡     ) 것이 좋다.

Từ nối trước (ㄱ) 왜냐하면, chắc chắn đang nói đến lý do, và đuôi câu chắc chắn phải viết dạng기때문 이다. Câu phía sau, từ nối là 그런데, nghĩa là nhưng mà, sau đó lại còn có반대로, thế thì chắc chắn là ý ngược lại với câu trên. Thành ra đáp án sẽ là ngược với câu phía sau: 감정이 표정에 영향을 주기 때문이다. Hiểu tớ viết gì mà đúng không?

Tiếp theo, từ nối trước(ㄴ) là  그러므로, ‘do đó’, tức là ý nghĩa câu phải điền sẽ giống câu trước nó, đơn giản viết lại câu phía trước là xong: 밝은 표정을 짓는 hoặc 표정을 밝게 짓는 là xong. Đấy dễ xơi, chú ý từ nối là được nhé. Câu này khi làm cũng chú ý làm trong 5 phút, và nhớ để ý kĩ sẽ có những câu bắt buộc phải dùng câu gián tiếp, ví dụ như theo nghiên cứu, theo bác sĩ,…

  • Câu 53

Câu nầy là 30 điểm nhé. Cách làm thì các cậu vẫn nên học theo mấy quyển sách dạy viết nhé. Sẽ có mấy mẫu câu cơ bản, bài nào cũng áp dụng được. Ngoài ra nhớ viết câu ngắn thôi, đừng ham ngữ pháp khó, cứ viết câu có đủ chủ ngữ vị ngữ là được. Mấy câu người ta cho sẵn, ví dụ các phương án trong một cuộc khảo sát thì đừng viết giống y hệt người ta cho, biến đổi thêm thắt từ hoặc sửa thành từ đồng nghĩa, và cố gắng viết đa dạng các loại ngữ pháp. Đấy là tớ dùng từ cố gắng, tức là nếu cậu chắc chắn mình dùng đúng vì viết, chứ không chắc, hên xui thì cứ viết các loại câu giống hệt nhau, miễn đúng là được. Ít ra không được cộng điểm cũng chả bị trừ điểm. Thời gian làm câu  này tầm 10 phút nhé. Chú ý viết từ 200- 300 thôi, ngắn quá bị trừ điểm mà dài quá cũng bị trừ điểm ấy. Viết thành đoạn văn cũng được, mà viết thành bài văn ngắn cũng được. Nhưng nếu bài dài, kiểu phân tích biểu đồ, nguyên nhân xong lại có dự đoán thì viết đoạn thôi cho đỡ bị quá 300 chữ.

  • Câu 54

Câu 50 điểm và thời gian là 30 phút. Chú ý khi đọc đề sẽ có mấy câu hỏi người ta cho sẵn, tầm 2-3 câu, thì mấy câu này sẽ là 2- 3 ý chính trong phần thân bài của các cậu. Mỗi ý thì các cậu cũng cho 2- 3 dẫn chứng, hay theo hồi xưa học văn người ta gọi là luận cứ. Câu 54 bắt buộc viết dạng bài văn, từ 600-700 chữ. Tức là phân đủ mở bài, thân bài, với kết luận ra. Thân bài thì dễ rồi nhé, luận điểm chính là câu hỏi của người ta, coi như trả lời câu hỏi thôi. Mở bài và kết bài viết độ dài phải tương đối nhau. Tức là nếu mở bài tầm 150 chữ, thì kết bài cũng tầm 150 chữ, thân bài tầm 300 chữ, mỗi đoạn luận điểm 100 chữ. Cộng vào là vừa tròn 600 chữ. Các cậu nên đếm trước mình viết 1 dòng khoảng bao nhiêu chữ, và tính toán đủ ví dụ mở bài chỉ cần viết 3 dòng là đủ thì kết bài cũng tầm 2 dòng rưỡi hoặc 3 dòng thôi. Cái này sẽ giúp cho giám khảo nhìn bài các cậu cái là thấy các cậu có bố cục rõ ràng, chiến lược tinh tế,.. đấy, tự nhiên có thiện cảm ngay.

Thêm nữa, vẫn như câu 53, không ham câu dài và ngữ pháp khó. Dùng ngữ pháp sơ cấp cũng được, miễn đúng và trả lời đủ ý.

Với 1 đứa đi thi viết vẫn chưa qua được 70 điểm, thì tớ k dám khuyên quá nhiều, vì tớ cũng chẳng biết gì mà khuyên. Nhưng hi vọng bài viết này có ích với các cậu. Like, share và comment ý kiến của các cậu nhé. Ok, bài dài quá rồi, tớ sẽ dừng lại tại đây, nếu có đề tài gì các cậu muốn tớ viết, comment cho tớ biết nhé (thông cảm dạo này bị bí ý tưởng viết, nên mới để blog mốc meo lâu thế). Bye….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *