Sự dẻo dai của bộ não giảm dần theo năm tháng. Tuy nhiên, học ngoại ngữ lại làm não bộ năng động và dẻo dai hơn.
Khi Adrian Black gặp người bạn đời đến từ Italia của mình cách đây 10 năm, ông quyết định sẽ học thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của bà. Ông không e ngại thách thức này, vì trước đó một thập kỷ đã chinh phục thành công môn tiếng Pháp.
“Tôi từng choáng váng khi thấy tiếng Pháp khó như thế nào, nhưng rồi bây giờ tôi giao tiếp rất ổn”, ông Black, hiện 50 tuổi cho hay. Còn với tiếng Italy, ông nhận xét đó còn là cửa ải khó khăn hơn nữa. “Tôi cảm thấy tiếng Pháp đã ở đâu đó trong đầu từ rất lâu. Còn với tiếng Italia, để đạt được trình độ nhất định tôi đã phải nỗ lực rất lớn”, ông nói thêm. Ở độ tuổi này, Adrian Black cảm thấy bộ não của mình không còn tốt như trước. Tuy nhiên, dù não bộ không còn nhạy cảm với từng âm thanh của thứ ngôn ngữ mới, ông vẫn không bỏ cuộc.
Có nhiều người từng nói rằng “you can’t teach an old dog new tricks” – bạn không thể dạy người lớn một kỹ năng gì mới. Tuy nhiên không phải ai cũng tin vào điều này. Khoa học từng cho rằng bộ não người lớn cố định về cấu trúc, một khi bị hỏng thì không thể nào khôi phục được. Tuy nhiên những nghiên cứu từ thập kỷ 1960 đã làm thay đổi suy nghĩ này, cho rằng bộ não thực ra là một cấu trúc có tính chất năng động cao, có thể tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, thậm chí cả trong trường hợp chấn thương.
Một kết luận được rút ra từ nghiên cứu là không bao giờ là quá già để học những điều mới. Chỉ có điều bộ não càng già, việc học càng trở nên khó khăn hơn. Độ dẻo dai của bộ não đi xuống với tốc độ từ từ, khiến khả năng thích nghi để đáp ứng với hoàn cảnh mới cũng giảm theo.
Tuy nhiên, một bộ não có tuổi sở hữu vài lợi thế khi học ngôn ngữ. Người càng già thì kho từ vựng càng phong phú hơn những người trẻ. Do vậy, có khả năng người học sẽ đạt được khối lượng từ vựng mới phong phú tương đương khi học ngoại ngữ. Đó là nhận định của Giáo sư ngành não bộ Albert Costa, người đang tìm hiểu về ngành khoa học song ngữ tại Đại học Pompeu Fabra, Barcelona.
Với người lớn, học ngoại ngữ thông qua phương pháp từ vựng dễ hơn học qua ngữ pháp hay cú pháp. Đó là do với những kinh nghiệm và kiến thức sẵn có, người học dễ dàng “tạo bản đồ” để ghi nhớ từ trong não bộ của mình. Tuy nhiên, người lớn cũng có những trở ngại nhất định. Họ khó tập được lối phát âm, ngữ điệu một cách tự nhiên như trẻ nhỏ.
Học một ngoại ngữ mới không dễ dàng với người lớn, nhưng có nhiều nghiên cứu khẳng định nó tốt cho bộ não. Khi chúng ta có tuổi, hầu hết đều trải qua sự xuống cấp về chức năng tâm thần như khả năng chú ý, khả năng ghi nhớ. Thậm chí ở vài người, quá trình suy giảm này diễn ra mạnh hơn và dẫn đến bệnh Alzheimer hay chứng mất trí. Một số nghiên cứu gần đây khẳng định rằng học ngoại ngữ có thể làm chậm quá trình xuống dốc này, thậm chí có thể ngăn chặn sự tấn công của chứng – bệnh quên.
Một trong những công trình nghiên cứu lớn nhất về chủ đề này là của nhóm nhà khoa học tại Đại học Edinburgh, thực hiện với 648 bệnh nhân Alzheimer tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Kết quả cho thấy tính trung bình, những người nói được hai thứ tiếng bắt đầu có biểu hiện mất trí nhớ chậm hơn bốn năm rưỡi so với những ai nói một ngôn ngữ duy nhất.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Thomas Bak cho rằng học ngôn ngữ khi bạn đã già rất có ích về mặt sức khỏe, hơn là học khi còn trẻ, vì người học phải vận dụng nhiều nỗ lực hơn. “Nó cũng tương tự như những bài tập thể dục về mặt thể chất, tốt cho sức khỏe của bạn”, ông nói.
Trở lại với câu chuyện của ông Adrian Black, ông xem việc học ngoại ngữ ở độ tuổi 40, 50 như một thú vui, và xem nỗ lực của mình như trò chơi ô chữ đang tìm lời giải. “Tôi học thứ tiếng mới một phần cũng vì muốn bộ não của mình năng động. Khi bạn đạt được thành công nào đó như có thể giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ mới, bạn sẽ có cảm giác như vừa chạm đến những phần não bộ mà chưa từng sử dụng trước đó”, ông nói.
Nguồn:https://ngoainguphuonglan.edu.vn/